Lượt xem: 1050

Đảm bảo khu neo đậu, tránh trú an toàn cho tàu thuyền

Là địa phương tiếp giáp với ngư trường khai thác, đánh bắt thủy sản rộng lớn ở khu vực biển Đông và Tây Nam bộ, ngoài tàu cá trong tỉnh, Sóc Trăng còn là điểm tập kết thường xuyên của nhiều tàu cá các tỉnh lân cận. Nghề biển đã nuôi sống hàng nghìn ngư dân Sóc Trăng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là ngành nghề luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, nhất là trong mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu thuyền trước diễn biến cực đoan của thời tiết giai đoạn cuối năm, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp cùng các đơn vị có liên quan vừa tổ chức buổi khảo sát các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.

 


Khu neo đậu tại ấp Cảng, thị trấn Trần Đề.

 

    Sóc Trăng có tổng số tàu thuyền khai thác trên biển là: 1.143 chiếc, trong đó tàu cá khai thác xa bờ là 311 chiếc; tàu cá khai thác gần bờ là 832 chiếc, cùng nhiều tàu thuộc các tỉnh lân cận thường xuyên cập cảng. Xác định khai thác, đánh bắt trên biển là ngành nghề đặc thù, công tác bố trí khu vực neo đậu cho tàu thuyền tránh trú mỗi khi gặp trở ngại về áp thấp nhiệt đới hay các cơn bão lớn trên biển luôn được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và pìm kiếm cứu nạn của tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, khi xảy ra bão mạnh hay siêu bão, các địa điểm neo đậu thuộc các địa phương ven biển sẽ không thể đảm bảo sức chứa cho các tàu nên tổ chức khảo sát để xây dựng phương án ứng phó an toàn hơn là vô cùng cần thiết.

    Đồng chí Trần Hoàng Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trần Đề là địa phương ven biển, rất dễ bị thiệt hại khi có bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền. Với một đội tàu hơn 600 chiếc thì việc bố trí khu neo đậu khi có bão đổ bộ là một vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi thời tiết luôn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu có sự chủ động ngay từ đầu, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ giảm được thấp nhất nguy cơ thiệt hại xảy ra về người, phương tiện cũng như tài sản”.

    Trên địa bàn tỉnh hiện có các khu vực neo đậu dành cho tàu thuyền được xác định từ trước, bao gồm: Vị trí neo đậu tại Cống số 9 (Phường 1, thị xã Vĩnh Châu), vị trí neo đậu tại các kênh, rạch ven sông Mỹ Thanh (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu), vị trí neo đậu tại Cống số 2 và Cống số 3 ( xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu). Ví trí neo đậu tại Cống số 4 và Cống số 5 (xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu), vị trí neo đậu tại ấp Cảng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề), vị trí neo đậu tại khu vực Cống Sáu Quế 1, Sáu Quế 2 (xã Trung Bình, huyện Trần Đề), vị trí neo đậu tài vàm Ngan Rô (xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề), vị trí neo đậu tại các luồng, lạch dọc theo hạ lưu sông Hậu (xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung), khu vực tại sông Cồn Tròn (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung). Khi xuất hiện các đợt bão lớn với sức gió mạnh, vị trí neo đậu, tránh trú an toàn cho tàu thuyền được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ưu tiên tại các vị trí vào sâu trong các sông lớn, ít bị ảnh hưởng bởi nước dâng, như: Vị trí neo đậu dọc sông Mỹ Thanh, vị trí neo đậu dọc sông Hậu hướng về Kế Sách.

    Qua buổi khảo sát thực tế dọc các tuyến sông, các kênh rạch lớn nhỏ thuộc địa phương ven biển như: Trần Đề, Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu đoàn đã đánh giá sơ bộ về tác động dòng chảy, khả năng chống chịu của tàu thuyền khi có bão đổ bộ, lắng nghe ý kiến đề xuất của các đơn vị phối hợp nhằm thống nhất kế hoạch ứng phó hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đảm bảo an toàn trong suốt thời gian tàu tránh trú bão, công tác hậu cần để các tàu có đủ điều kiện trở lại hoạt động khai thác ngay khi dứt bão cũng là vấn đề được Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng tính đến. Đại Tá Trịnh Kim Khâm - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Trên cơ sở đi thực tế lần này, tất cả các lực lượng làm nhiệm vụ có thể nắm tình hình chính xác, từ đó điều tiết được các phương tiện để tránh gây ùn tắc trong quá trình tàu thuyền cần tránh trú bão. Bên cạnh đó, tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để đề ra biện pháp, bảo đảm việc tránh, trú bão cho tàu thuyền trong thời gian tới, đảm bảo an toàn  tuyệt đối cho cả người và phương tiện, cũng như tài sản cho ngư dân tỉnh nhà và cả các tỉnh bạn khi đang đánh bắt gần địa phận tỉnh Sóc Trăng. Mặt khác, chúng tôi cũng đang chuẩn bị cơ sở tập kết, các điều kiện về công tác hậu cần nghề cá dọc tuyến kênh Mỹ Thanh để phục vụ cho tàu thuyền khi đến tránh trú... Do đó cần phải kiểm tra thực tế để không bị bị động trước tác động tiêu cực từ thiên tai”.

    Trong những năm qua, nghề khai thác thủy sản tại Sóc Trăng có bước phát triển mạnh với sản lượng thủy sản khai thác hằng năm trên 60.000 tấn. Hoạt động đánh bắt thuận lợi khiến số lượng tàu có công suất lớn tăng nhanh để đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ hoạt động khai thác; vì vậy, các khu neo đậu cho tàu thuyền rất dễ xảy ra tình trạng quá tải. Bên cạnh quan tâm phát triển hậu cần nghề cá, việc triển khai  quy hoạch và đầu tư khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là vấn đề mang tính cấp thiết; góp phần giúp ngư dân yên tâm tiếp tục vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh nhà trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt  thủy sản.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8333
  • Trong tuần: 79,040
  • Tất cả: 11,802,360